Cổ phiếu 'quốc dân' CTG, STB, LPB xuống thấp nhất trong gần nửa năm trở lại đây
Từng là những cổ phiếu ngân hàng "quốc dân" với khối lượng giao dịch lớn, các mã CTG, STB, LPB đến nay đều đã giảm 25 - 30% so với đỉnh hồi tháng 6 và chạm mức thấp nhất trong gần nửa năm trở lại, thanh khoản sụt giảm đáng kể.
Xem chi tiết tại: https://vietnambiz.vn/co-phieu-quoc-dan-ctg-stb-lpb-xuong-thap-nhat-trong-gan-nua-nam-tro-lai-20210929162816368.htm
Kết thúc phiên hôm nay (29/9), cổ phiếu CTG của VietinBank đã giảm 1,8% xuống còn 30.400 đồng/cp, thấp hơn gần 30% so với đỉnh hồi tháng 6. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của cổ phiếu này kể từ ngày 22/4 tới nay (theo giá đã điều chỉnh).
Nếu so với thời "hoàng kim" là tháng 5, tháng 6 vừa qua, thanh khoản của cổ phiếu CTG cũng đã sụt giảm đáng kể, khối lượng giao dịch trung bình tụt từ 20 triệu cp/phiên xuống còn chưa đến 10 triệu cp/phiên.
Tương tự, kết phiên hôm nay, cổ phiếu STB của Sacombank đã giảm 2,8% xuống mức 25.800 đồng/cp, thấp nhất kể từ giữa tháng 5 vừa qua. Nhà đầu tư "đu đỉnh" nếu giữ tới thời điểm này cũng phải lỗ tới gần 25%.
Khi đó, đây từng là cổ phiếu "quốc dân" với lượng thanh khoản gần như "khủng" nhất trên thị trường, trung bình mỗi phiên đạt hơn 40 triệu đơn vị. Đến nay, khối lượng giao dịch trung bình một phiên của cổ phiếu này chỉ còn dao động quanh mức 10 - 15 triệu đơn vị.
Cổ phiếu LPB của LienVietPostBank cũng chung cảnh khi chứng kiến giá cổ phiếu xuống thấp nhất trong gần nửa năm và giảm hơn 30% so với đỉnh tháng 5. Thanh khoản theo đó cũng chưa bằng một nửa so với trước đây.
Nhóm cổ phiếu "vua" từng được giới phân tích kỳ vọng tích cực nhờ hưởng lợi từ chính sách vĩ mô, triển vọng sáng về kết quả kinh doanh hay những câu chuyện riêng như thoái vốn công ty con, ký kết hợp đồng bancassurance độc quyền,...
Như trường hợp của VietinBank, nhiều công ty chứng khoán thời điểm đó dự báo lợi nhuận của ngân hàng này có thể đạt hơn 1 tỷ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, sự bùng phát của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã khiến nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề, Chính phủ kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để đồng hành với khách hàng cùng chống chọi và vượt qua đại dịch. Triền vọng của các ngân hàng cũng trở nên kém khả quan hơn và giá cổ phiếu đã được phản ánh ngay sau đó.
Theo giới phân tích, trong dài hạn, cổ phiếu ngân hàng vẫn được đánh giá có triển vọng khả quan. Song, ở ngắn hạn, các chuyên gia cho rằng diễn biến cuối năm tại các cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự phân hóa mạnh.
"Nhà đầu tư có thể tìm kiếm những cổ phiếu có khả năng duy trì tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm nay, và có câu chuyện riêng chẳng hạn như câu chuyện tăng vốn để làm động lực cho tăng trưởng trong dài hạn, không chỉ trong nửa cuối năm nay và cả các năm sau nữa", theo ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc đầu tư Quỹ SSIAM.
Chung quan điểm, các chuyên gia của VNDirect cho rằng trong bối cảnh tín dụng phục hồi yếu, các ngân hàng có có khả năng đẩy mạnh tín dụng, hoặc có khả năng để nâng cao tỷ trọng thu nhập ngoài lãi (thông qua bancasurance, dịch vụ ngân hàng đầu tư, kinh doanh ngoại hối…) sẽ là những ngân hàng chiếm ưu thế.
Nhận xét
Đăng nhận xét