Phép thử mới của Thế Giới Di Động trên thị trường quy mô 8.000 tỷ
Thế Giới Di Động đã có những động thái đầu tiên trong việc mở bán các sản phẩm đồ thể thao.
Xem chi tiết tại: https://vietnambiz.vn/phep-thu-moi-cua-the-gioi-di-dong-tren-thi-truong-quy-mo-8000-ty-20211130152428707.htm
Ngày 29/11, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một cửa hàng bán đồ thể thao được cho là của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) mở. Phía doanh nghiệp từ chối trả lời yêu cầu bình luận về hình ảnh này. Song, nguồn tin riêng của người viết đã xác nhận đây là chuỗi cửa hàng tiếp theo của Thế Giới Di Động.
Động thái mở cửa hàng bán đồ thể thao cũng hoàn toàn phù hợp với chiến lược mà Chủ tịch Nguyễn Đức Tài công bố cách đây không lâu, đó là đưa Thế Giới Di Động trở thành đơn vị bán lẻ số 1 Đông Nam Á, không chỉ gói gọn trong đồ công nghệ mà còn là dược phẩm, thời trang.
Khi thị trường bão hòa
Báo cáo từ CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định thị trường điện thoại Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn về tăng trưởng trong ít nhất hai năm tới, kể cả khi đã tính đến việc triển khai 5G và tắt sóng 2G.
Nhà phân tích của BVSC cho rằng điện thoại cơ bản, mặc dù chiếm 25% thị phần về số lượng song chỉ chiếm 4% thị phần về giá trị. Do vậy, việc chuyển đổi từ điện thoại cơ bản lên smartphone sẽ không thúc đẩy quy mô thị trường tăng trưởng.
Trong khi đó, việc chuyển đổi sang điện thoại 5G ở góc độ người tiêu dùng sẽ cơ bản cần hai yếu tố là hạ tầng phủ rộng và giá điện thoại rẻ. Việc triển khai 5G ở Việt Nam vẫn đang giai đoạn thử nghiệm trong năm 2020 và triển khai ở quy mô nhỏ, chỉ ở một, vài thành phố lớn trong năm 2021.
Do đó, hai động lực tăng trưởng mới của ngành bán lẻ điện thoại về trước mắt chưa thể mang lại kết quả cho nhà bán lẻ. Trong khi ngay từ năm 2019, trong báo cáo thị trường của GfK cũng đã chỉ ra rằng thị trường bán lẻ smartphone Việt Nam đã bước vào giai đoạn bão hòa với số lượng điện thoại bán ra giảm liên tục qua các năm.
Xuất phát điểm từ chuỗi cửa hàng bán điện thoại, phụ kiện, Thế Giới Di Động không tránh khỏi những tác động từ thị trường này. Theo kết quả kinh doanh ba năm gần nhất, cơ cấu doanh thu đối với chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động (bán điện thoại, phụ kiện) liên tục giảm.
Năm 2018, chuỗi Thế Giới Di Động góp 40% tổng doanh thu MWG, thì sang đến năm 2020, con số này tụt xuống 27,2%. Tương tự, doanh thu bán điện thoại của Thế Giới Di Động năm 2018 khoảng 45.700 tỷ đồng thì tới năm 2020, doanh thu mảng kinh doanh này giảm hơn 8% xuống xấp xỉ 41.900 tỷ đồng. Công ty cũng đồng thời đóng bớt một số cửa hàng Thế Giới Di Động hoặc chuyển đổi sang mô hình Điện Máy Xanh/Điện Máy Xanh tích hợp.
Từ đó đến nay, Thế Giới Di Động liên tục tìm kiếm nguồn doanh thu mới bằng cách thử sức tại các lĩnh vực khác nhau như bán đồng hồ, kính mắt, dược phẩm, bách hóa,…
Tìm kiếm nguồn doanh thu mới
Nếu như TopZone được mở hồi đầu tháng 10 không làm nhiều người bất ngờ bởi nó thuộc lĩnh vực thế mạnh của Thế Giới Di Động đó là bán sản phẩm công nghệ, thì việc lấn sân sang trang sức (BlueJi) hay hiện tại là đồ thể thao (Blue Sport) lại được đánh giá là bước đi khá táo bạo của ông lớn bán lẻ này.
Theo báo cáo từ Allied Market Research, thị trường quần áo thể thao toàn cầu có quy mô 167,7 tỷ USD vào năm 2018 và dự báo sẽ tăng lên 258 tỷ USD vào năm 2026. So với các mảng kinh doanh khác cùng ngành, thị trường đồ thể thao được coi là một "mỏ vàng".
Đơn cử, nếu như Uniqlo – một thương hiệu thời trang nhanh nổi tiếng Nhật Bản, được thành lập năm 1949 đạt doanh thu 7,6 tỷ USD trên 2.200 cửa hàng vào năm 2020 thì trong cùng năm, Lululemon – thương hiệu quần áo thể thao Canada được thành lập năm 1998 lại mang về 4,4 tỷ USD chỉ với 506 cửa hàng.
Việc tăng trưởng còn có thể đến từ chiến lược kinh doanh mỗi nhãn hàng, song với cách biệt trên có thể nói rằng tỷ suất sinh lời của các mặt hàng thời trang là đồ thể thao đang rất lớn.
Ngoài ra, trước làn sóng của đại dịch, hai năm qua ngành thời trang đã chứng kiến những cú "ngã ngựa" của loạt ông lớn kinh doanh mặt hàng thời trang may mặc như Neiman Marcus, JC Penny,…
Điều bất ngờ là ở phía bên kia, các thương hiệu thời trang thể thao không những không bị ảnh hưởng mà còn chứng kiến doanh số tăng cao. Theo tờ Business Insider, đại dịch đã khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen ăn mặc. Người ta thích mặc đơn giản hơn, thoải mái hơn, nhiều màu sắc hơn như các bộ đồ thể thao.
Bằng chứng là hãng giày dép và quần áo thể thao Nike đã đạt doanh thu theo quý tài khoá kết thúc vào tháng 5/2021 cao kỷ lục trong lịch sử 50 năm của hàng với lợi nhuận 1,5 tỷ USD trên 12 tỷ USD doanh thu.
Tại thị trường Việt Nam, nhận thấy tiềm năng còn bỏ ngỏ, từ năm 2019, ông lớn chuyên đồ thể thao Decathlon đã chính thức khai trương cửa hàng quy mô lên tới 4.300m2, sau hai năm mở bán thăm dò bằng hình thức bán hàng online. Đây là loại hình megastore (cửa hàng lớn) cung cấp đa dạng với 14.000 sản phẩm, trang phục, dụng cụ tập luyện và thi đấu cho hơn 70 môn thể thao.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều năm nay, các hãng sản xuất đồ thể thao lớn của thế giới đã thâm nhập thị trường Việt Nam để bán tại chỗ. Hàng loạt thương hiệu đang phân phối qua các đơn vị độc quyền, như hãng giày dép thể thao 361° thuộc Công ty Degrees International Limited, thiết bị chạy thể dục như Elliptical, Orbitrac... với doanh thu hàng triệu USD mỗi năm.
Những thương hiệu Nike, Adidas, Lyning, Puma... từ chỗ chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất để xuất khẩu, đã tập trung bán sản phẩm. Đến nay, Nike và Adidas chiếm thị phần lên tới gần 40% ở Việt Nam. Quy mô thị trường dự báo lên tới 8.000 tỷ đồng.
Cơ hội cho Thế Giới Di Động
Theo như con số ở trên, 40% thị phần đồ thể thao tại Việt Nam đang thuộc về Nike và Adidas. Hiện hai thương hiệu này đang có cửa hàng và đại lý ủy quyền tại Việt Nam. Tức 60% thị phần còn lại đang nằm trong tay các thương hiệu thời trang khác và hệ thống bán hàng nhỏ lẻ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, các thương hiệu ngoại đang tìm cách lấn sân sang thị trường Việt, song gặp rào cản thiếu nhà phân phối độc quyền hoặc địa bàn đặt nhà máy sản xuất.
Năm 2019, các thương hiệu đến từ Hạ Môn – vùng sản xuất đồ thể thao Trung Quốc thông qua các buổi xúc tiến cũng mong muốn chinh phục thị trường Việt Nam. Hay như thương hiệu đồ thể thao cao cấp Kelme của Tây Ban Nha cũng đang tìm đối tác phân phối sản phẩm và mở nhà máy tại Việt Nam.
Trong khi đó, thương hiệu Attivo đến từ Singapore chuyên phân phối thiết bị tập gym, thể hình thể thao, mặc dù kinh doanh tại Việt Nam hơn một thập kỷ song cũng chỉ phân phối sản phẩm thông qua các trung tâm fitness, khách sạn 4 - 5 sao, khu nghỉ dưỡng…
Với lợi thế thương hiệu, cùng gần 5.000 điểm bán hàng trên toàn quốc và kinh nghiệm triển khai các chuỗi như bách hóa, bán xe đạp, đồng hồ, kinh mắt,… rõ ràng việc Thế Giới Di Động tham gia cuộc chơi đồ thể thao là hoàn toàn có cơ sở.
Đặc biệt trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip ảnh hưởng tới các mặt hàng công nghệ (sản phẩm kinh doanh chính của công ty hiện tại) được dự báo sẽ còn kéo dài hai năm nữa, thì việc tìm kiếm nguồn doanh thu mới từ những mặt hàng không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng là một bước đi có thể sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ từ các nhà đầu tư của MWG.
Nhận xét
Đăng nhận xét