TOP 10 sự kiện nổi bật tạo nên dấu ấn ngành ngân hàng năm 2021
Sau thời gian dài chờ đợi, các "ông lớn" ngân hàng quốc doanh đều đã chính thức được phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ bằng phương thức trả cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2021.
Mới đây nhất, ngày 9/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận cho BIDV tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 10.365 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức (tỷ lệ 25,77%). Ngày thanh toán cổ tức bằng tiền mặt là ngày 24/1/2022.
Trước đó, Vietcombank cũng được chấp thuận tăng vốn lên tối đa lên 47.325 tỷ đồng và VietinBank lên 48.057 tỷ đồng.
Dự kiến, sau khi thực hiện xong, BIDV sẽ tiếp tục giữ vững ngôi vị quán quân vốn điều lệ với hơn 50.585 tỷ đồng, vượt qua VietinBank và Vietcombank. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có VietinBank đã hoàn thành được kế hoạch và đang chiếm giữ vị trí này.
Việc tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh có ý nghĩa quan trọng đảm bảo cho nhóm ngân hàng top đầu này duy trì được động lực tăng trưởng, đồng thời đảm bảo được các chỉ số an toàn vốn.
Cuối tháng 10, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết đã hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC, một công ty con do tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản sở hữu 100% vốn.
Trong thương vụ này, FE Credit được định giá 2,8 tỷ USD và là thương vụ M&A công ty tài chính lớn nhất trong lịch sử tại Việt Nam.
Dự kiến FE Credit sẽ đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC. Trong đó, VPBank tiếp tục nắm giữ 50% vốn điều lệ và 1% vốn điều lệ còn lại thuộc về Chứng khoán Bản Việt.
Thương vụ này dự kiến sẽ đem về cho ngân hàng khoảng 1,4 tỷ USD và giúp tăng vốn chủ sở hữu lên khoảng 48%. Từ đó giúp ngân hàng cải thiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trong bối cảnh phân khúc khách hàng chính của VPBank là tầng lớp bình dân, trung lưu chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID-19.
SMBC là một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất tại Nhật Bản, có tổng tài sản trên 2.100 tỷ USD tại thời điểm cuối năm 2020. SMBC hiện tại đang là cổ đông chiến lược của Eximbank với 15% cổ phần và đã từng ngỏ ý mua lại ngân hàng 0 đồng PG Bank.
SMBC cũng được xem là một ứng cử viên sáng giá trong thương vụ bán vốn cho cổ đông chiến lược sắp tới của VPBank.
Ngày 16/4, trong báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ", Bộ Tài chính nước này đã xác định rõ Việt Nam không phải là quốc gia "thao túng tiền tệ" theo quy định của Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omimbus năm 1988.
Điều này cũng tiếp tục được tái khẳng định trong báo cáo tháng 12 mới đây mặc dù Việt Nam vẫn đáp ứng đủ ba tiêu chí về thặng dư thương mại, thặng dư cán cân vãng lai và việc can thiệp trên thị trường ngoại hối.
Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực không nhỏ của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình làm việc, giải trình, đàm phán với đối tác Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề tỷ giá hối đoái trong thời gian vừa qua.
Việc không bị gán mác "thao túng tiền tệ" có ý nghĩa quan trọng trong việc áp dụng các chính sách thuế với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời cũng tạo cho NHNN có dư địa nhất định trong việc điều hành tỷ giá.
Đẩy mạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, NHNN đã hai lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01.
Theo đó, quy mô các khoản nợ được phép tái cơ cấu được mở rộng gồm các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021; Thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ kéo dài từ 23/1/2020 đến 30/6/2022;.. Thời gian thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ được kéo dài đến ngày 30/6/2022.
Theo ước tính của Hiệp hội Ngân hàng, sẽ có thêm 600.000 tỷ dư nợ sẽ được cơ cấu lại khi áp dụng theo Thông tư mới.
Cùng với đó, các ngân hàng được phép trích lập dự phòng các khoản nợ cơ cấu lại trong 3 năm. Tỷ lệ trích lập phải đạt tối thiểu 30% trong năm 2021và tăng lên tối thiểu 60% và 100% lần lượt tại cuối 2022 và 2023.
Điều này sẽ giúp ngân hàng tránh được cú sốc về lợi nhuận khi phải trích lập dự phòng rủi ro quá nhiều cho các khoản nợ tái cơ cấu.
Tính đến 20/12/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế từ khi có dịch khoảng 607.000 tỷ đồng. Hiện có khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng.
Tháng 11, NHNN đã ban hành Thông tư số 16 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Các TCTD chỉ được mua TPDN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, đồng thời không được mua TPDN với mục đích để tái cơ cấu nợ, góp vốn, mua cổ phần tại các DN khác hoặc tăng vốn chủ sở hữu của các DN phát hành. Ngân hàng cũng không được mua đi bán lại trái phiếu của doanh nghiệp đó trong vòng 12 tháng và không được chuyển nhượng TPDN cho các công ty con.
Thông tư được đánh giá là một trong những động thái bước đầu nhằm kiểm soát chặt dòng vốn đang đổ vào lĩnh vực bất động sản (chủ thể phát hành TPDN lớn nhất) đang tăng quá cao.
Thống kê cho thấy ngân hàng là một trong hai người mua chủ đạo trên thị trường và đang ôm lượng trái phiếu bất động sản lớn. Trong khi đó, hơn 80% giá trị TPDN phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết và phần lớn là không có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh của bên thứ ba (số liệu từ FiinGroup trong 9 tháng đầu năm).
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết Thông tư 16 có khả năng khuyến khích các ngân hàng thực hiện chiến lược mua và nắm giữ đối với danh mục đầu tư TPDN, loại bỏ việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng bằng cách bán TPDN vào cuối năm và sau đó mua lại vào năm mới. Do đó, sẽ có tác động làm giảm lượng giao dịch TPDN trên thị trường liên ngân hàng.
Ngày 9/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Nếu như đối với ví điện tử, quy định hiện tại yêu cầu người dùng phải liên kết với một tài khoản thanh toán tại ngân hàng, Mobile Money chỉ cần tài khoản số điện thoại di động, ngay cả khi họ không dùng smartphone để thực hiện thanh toán.
Tuy nhiên, mãi tới tháng 11, NHNN mới ký quyết định chấp thuận triển khai thí điểm Mobile Money cho MobiFone trên phạm vi toàn quốc. Thời gian thí điểm dịch vụ Mobile Money cho MobiFone sẽ kéo dài đến ngày 18/11/2023. BIDV sẽ là ngân hàng mở tài khoản đảm bảo thanh toán dịch vụ Mobile Money của MobiFone
Trong giai đoạn đầu, MobiFone cho biết triển khai cung cấp dịch vụ trên hệ thống hơn 600 cửa hàng, điểm giao dịch của MobiFone trên toàn quốc. Sau đó sẽ tiếp tục mở rộng ra toàn bộ hệ thống hơn 10.000 điểm giao dịch của các đối tác, đại lý.
"Lúc đầu NHNN dự định triển khai tại một số địa phương, nhưng sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cân nhắc, sẽ cho triển khai đồng bộ trên cả nước. Sau khi thí điểm hoàn thành sẽ rút kinh nghiệm, NHNN sẽ đánh giá và cho triển khai chính thức chương trình này", Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN, 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã cam kết giảm lãi suất cho vay trên tổng dư nợ hiện hữu áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.
Riêng 4 "ông lớn" ngân hàng cổ phần nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách xã hội.
Dưới sự giám sát của NHNN, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 31/10/2021 của 16 ngân hàng là 15.559 tỷ đồng (tăng 3.323 tỷ đồng so với 30/9/2021 tương ứng tăng 27,16%), đạt 75,48% so với cam kết.
Tính chung từ khi có dịch, tổng số tiền lãi lũy kế đến nay TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỷ đồng, tương ứng với trên 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch và số dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng.
Bên cạnh đó, số dư cho vay mới lãi suất thấp (thấp hơn so với trước dịch) lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt trên 7,4 triệu tỷ đồng cho khoảng trên 1,3 triệu khách hàng.
Tháng 11, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký hai quyết định bổ nhiệm có thời hạn giữ chức Phó Thống đốc NHNN đối với ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN và ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ NHNN.
Với lần bổ nhiệm này, Bộ máy lãnh đạo của NHNN đã tăng lên 6 người gồm Thống đốc và 5 Phó Thống đốc.
Trước đó, vào kỳ họp cuối năm 2020, bà Nguyễn Thị Hồng đã được bầu chọn giữ chức vụ Thống đốc NHNN thay cho ông Lê Minh Hưng (được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức Chánh văn phòng Trung ương Đảng).
Bà là nữ Thống đốc đầu tiên trong lịch sử Ngân hàng Nhà nước và là người thứ 15 giữ cương vị này.
Những đợt nới "room" tín dụng kịp thời của NHNN đã tạo động lực cho các ngân hàng khôi phục lại phong độ bơm vốn cho nền kinh tế sau khoảng thời gian nhu cầu tín dụng giảm sút do ảnh hưởng của đại dịch.
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, trong năm nay, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%, nhưng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hồi phục nhanh hơn cũng như thực hiện các chương trình kéo dài thời gian trả nợ và cho vay mới, NHNN đã nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho nhiều ngân hàng.
"Trong những ngày cuối năm, tăng trưởng tín dụng sẽ diễn biến tích cực hơn và dự kiến đạt khoảng 14%", Phó Thống đốc cho biết.
Theo lần nới room mới nhất vào quý IV, TPBank là nhà băng được nới room tín dụng cao nhất lên 23,4%; ba ngân hàng khác được nơi lên trên 21% bao gồm Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%). Trong khi đó, hai ngân hàng quốc doanh là BIDV và VietinBank được nới ít nhất, lần lượt lên mức 12% và 12,5%.
Tính chung, hạn mức tín dụng trong năm 2021 của các ngân hàng đã được nới lên 13,8%.
Trên thực tế, tín dụng đã tăng tương đối mạnh trong vòng hơn hai tháng qua, phù hợp với việc nền kinh tế đang từng bước hồi phục sau dịch.
Theo số liệu từ NHNN, tính đến 28/12/2021, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,97% so với cuối năm 2020, tăng hơn 14,5% so với cùng kỳ năm 2020. Với con số này, tương đương khoảng 1,19 triệu tỷ đồng đã được bơm thêm vào nền kinh tế trong năm 2021.
Nhóm cổ phiếu vua lại có thêm một năm thắng lớn khi phần lớn các mã ngân hàng trên thị trường chứng khoán đều ghi nhận mức tăng giá đáng kể so với đầu năm.
Theo số liệu cập nhật đến ngày 27/12, có tới 26/27 mã cổ phiếu ngân hàng ghi nhận tăng giá kể từ đầu năm. Có tới 2/3 cổ phiếu ngân hàng tăng giá trên 50% trong cả năm.
Trong đó, NVB của Ngân hàng Quốc dân và SSB của SeABank là hai cổ phiếu ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ nhất, tăng lần lượt 118% và 192% so với đầu năm.
Cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là nhóm đã hỗ trợ mạnh cho chỉ số VN-Index liên tục tạo đỉnh trong năm 2021.
Theo đánh giá của Chứng khoán MB (MBS), định giá ngành ngân hàng tại Việt Nam đang ở mức khá cao so với các nước khác trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, với nhiều triển vọng đến từ động lực tăng vốn, tăng trưởng tín dụng, thu ngoài lãi, các chuyên gia phân tích kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng sẽ có tỷ lệ P/B cải thiện và quay về mức hấp dẫn hơn trong thời gian tới.
Nhận xét
Đăng nhận xét